Nguyên nhân Hiệu ứng mỏ neo

Một số giả thuyết đã được đưa ra để giải thích nguyên nhân gây ra hiệu ứng mỏ neo. Tuy vài giả thuyết phổ biến hơn những giả thuyết khác, nhưng hiện chưa có sự đồng thuận chung trong giới về các giả thuyết này.[35] Trong một nghiên cứu, hai tác giả đã cho rằng hiệu ứng mỏ neo rất dễ chứng minh, nhưng lại khó giải thích.[8] Có ít nhất một nhóm nghiên cứu đã lập luận rằng có nhiều nguyên nhân, và "neo" thực ra là nhiều hiệu ứng khác nhau.[36]

Thả neo và điều chỉnh

Trong nghiên cứu ban đầu của họ, Tversky và Kahneman đã đưa ra một quan điểm, sau này được gọi là thả neo và điều chỉnh. Theo thuyết này, khi một mỏ neo được thả, người ta sẽ điều chỉnh từ điểm neo để đưa ra phán đoán cuối cùng. Tuy nhiên, họ điều chỉnh không đầy đủ, dẫn đến khoảng cách giữa phán đoán và neo không quá xa.[37] Các nhà nghiên cứu khác cũng tìm thấy một số bằng chứng củng cố cho giải thích này.[38] Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh phán đoán như say rượu và thực hiện các tác vụ về tải trọng nhận thức (ghi nhớ một dãy số dài) có xu hướng làm tăng hiệu lực của neo.[39] Nếu các đối tượng biết nên điều chỉnh neo theo hướng nào, việc khuyến khích độ chính xác có thể làm giảm hiệu ứng này.[40]

Mô hình này cũng vấp phải một số ý kiến trái chiều. Những người ủng hộ các lý thuyết khác đã chỉ trích và cho rằng mô hình này chỉ có thể được áp dụng khi điểm neo ban đầu nằm ngoài phạm vi các câu trả lời có thể chấp nhận được. Như ví dụ đã nêu, vì Mahatma Gandhi rõ ràng thọ hơn 9 tuổi, nên các đối tượng đã điều chỉnh từ neo này. Nhưng nếu neo được thả là một con số nào đó hợp lý, sự điều chỉnh sẽ không xuất hiện. Do đó, lý thuyết này, theo những người chỉ trích, không thể giải thích tất cả các trường hợp của hiệu ứng mỏ neo.[41]

Tiếp cận có chọn lọc

Một giải thích khác về tiếp cận có chọn lọc được rút ra từ một thuyết gọi là "xét nghiệm xác nhận giả thuyết". Thuyết này cho rằng khi được cung cấp một mỏ neo, đối tượng nghiên cứu (người đưa ra một số nhận định) sẽ đánh giá xem neo đó có phải câu trả lời phù hợp hay không. Nếu không phải, đối tượng sẽ đưa ra (bằng cách đoán) một đáp án khác, sau khi đã tiếp cận tất cả thông tin liên quan từ neo. Khi đưa ra nhận định mới, đối tượng sẽ tìm những mối liên hệ giữa chúng và neo có sẵn, dẫn đến hình thành hiệu ứng mỏ neo.[41] Nhiều nghiên cứu khác nhau đã tìm thấy các bằng chứng chứng thực giả thuyết này.[42] Giải thích trên giả định rằng đối tượng coi giá trị của neo nằm trong khoảng hợp lý, và do đó neo sẽ không bị loại bỏ ngay lập tức, khiến đối tượng xem xét kỹ hơn những thông tin liên quan từ neo. Ví dụ, một thí nghiệm trực tuyến đã cho thấy thứ hạng những người tham gia trước có thể trở thành một mỏ neo. Sau khi tiếp cận các đánh giá của những người khác về một ý tưởng cho mô hình kinh doanh, các đối tượng sẽ kết hợp neo này vào quy trình ra quyết định của riêng họ, khiến khoảng cách giữa các đánh giá giảm dần.[43]

Thay đổi thái độ

Gần đây, lời giải thích thứ ba về hiệu ứng mỏ neo đã được đề xuất. Thuyết này đưa ra một thuật ngữ mới: sự thay đổi thái độ. Cũng theo thuyết trên, việc cung cấp một mỏ neo sẽ khiến một người nào đó ủng hộ hơn các thông tin từ neo, từ đó đưa ra những câu trả lời có sự tương đồng lớn hơn với neo. Những người đứng đầu phe ủng hộ lý thuyết này coi đây là cách giải thích tương đương với những nghiên cứu trước đây về thả neo và điều chỉnh, cũng như tiếp cận có chọn lọc.[44][45]